Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Ngày thứ sáu khó quên

Đối với một nhân viên làm việc bán thời gian như tôi thì những cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa công sở là rất hiếm hoi. Trong học kỳ vừa qua, tôi đã phải viết một bài tiểu luận về một vấn đề công sở và tôi đã quyết định viết về bắt nạt nhân viên trong công ty. Khi tìm hiểu về chủ đề này, tôi nhận thấy rằng một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc đối xử giữa các nhân viên với nhau chính là văn hóa công sở. Hay nói một cách khác, văn hóa của một công ty chính là những thấu kính mà thông qua đó, các nhân viên sẽ có một cách nhìn nhận chung về cách ứng xử cũng như hành vi của nhau. Sở dĩ tôi nhắc đến việc này là vì buổi trưa ngày hôm nay đã cho tôi một trải nghiệm về văn hóa công sở mà chắc chắn rằng không bài nghiên cứu nào tôi đọc có thể diễn giải trọn vẹn được.


Hôm nay là tròn thêm một năm chị Chuyên và chị Phương làm việc tại Matterhorn Communications. Cũng như những lần kỷ niệm một năm khác của mọi người, Matt quyết định đi mua hai món đồ ăn đặc trưng của Việt Nam cùng với nến để làm một bữa tiệc mừng nho nhỏ cho hai chị. Nhưng lần này thì tôi được "vinh hạnh" đi cùng :D. Sau nửa tiếng đồng hồ thì cuối cùng tôi và Matt cũng về đến công ty với bánh mì bò kho, mấy trái xoài cát và nến sinh nhật. Bữa tiệc diễn ra hết sức ấm cúng và vui vẻ. Chị Phương cũng như chị Chuyên có vẻ rất thích thú trước "chiếc bánh" ăn mừng của mình. Mọi người sau đó cùng nhau "giải quyết" những trái xoài cát mà tôi đã trả giá không được thành công lắm trước đó :D. Bữa trưa kết thúc trong sự thoải mái và gần gũi giữa các nhân viên với nhau, tuy cũng hơi tiếc vì Vickie bị bệnh nên không tham gia được. Đây cũng chính là nét mà tôi rất thích ở Matterhorn. Dường như khoảng cách giữa vị giám đốc điều hành, cũng là người đàn ông duy nhất trong công ty và tất cả mọi người trong công ty rất mờ nhạt. Đó là chưa kể đến sự vui vẻ và gần gũi của các chị trong công ty với nhau nói chung và với một "ma mới" như tôi nói riêng :). Việc Matt nhớ ngày bắt đầu làm việc của từng người trong công ty cũng như không hề ngần ngại tự mình đi mua những món đồ ăn dân dã Việt Nam thật sự đã giúp tôi có thêm một động lực cũng như niềm tin vào tầm quan trọng của văn hóa công sở. Việc làm ấy tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Nó khiến nhân viên bình đẳng với nhau, kéo mọi người lại gần nhau và quan trọng hơn hết là cho tất cả mọi người niềm vui ^_^.

Đây thật sự là một ngày thứ sáu khó quên!

Chi.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Phương pháp của McKinsey khi giải quyết vấn đề trong kinh doanh

Tôi được Matt giới thiệu cuốn sách The McKinsey Way viết về các phương pháp của McKinsey trong việc giải quyết vấn đề tổ chức hoặc kinh doanh cho khách hàng của họ. Nhân viên PR Consultant cũng là những người thường xuyên phải đứng trước các “vấn đề” cần giải quyết, cần tư vấn cho khách hàng của mình. Đó là lý do sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã có một buổi giới thiệu tóm tắt các điểm chính, nổi bật về phương pháp McKinsey trong nội bộ Matterhorn Communications, để cùng nhau chia sẻ và thảo luận.

McKinsey là một trong những công ty tư vấn hàng đầu tại Mỹ, khách hàng của họ phần lớn là các công ty trong danh sách Fortune 50. “Khi nói đến McKinsey, là nói đến quản trị, cũng như khi nhắc đến Cartier, người ta nghĩ ngay đến nữ trang. Không một công ty ty vấn nào nổi tiếng, được săn đón và thành công như McKinsey & Company.”-Theo The Wich Doors.

Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong khi làm việc tại McKinsey, cũng như những bài phỏng vấn với những người đã và đang làm việc tại McKinsey, tác giả cuốn sách đã giới thiệu về cách mà các McKinsey-ite tư duy, các phương pháp làm việc để giải quyết vấn đề và cách mà họ “bán” các giải pháp của họ cho khách hàng.

The McKinsey Way giới thiệu những phương pháp hiệu quả để tiếp cận và giải quyết những vấn đề nan giải nhất trong kinh doanh, đó là những phương cách mà bạn có thể áp dụng cho bất kỳ công ty nào. Qua cuốn sách, tác giả nhấn mạnh cách đào tạo khắt khe nhân viên cấu trúc hóa trong mỗi khía cạnh họ tiếp cận để tìm ra các giải pháp cho vấn đề kinh doanh. Bạn có thể hình dung cách của McKinsey như sơ đồ bên dưới:




Cách tư duy về những vấn đề trong kinh doanh

Điều mà tôi tâm đắc trong cuốn sách này, và cũng là đúng với công việc PR Consutant là giải quyết vấn đề phải bắt đầu bằng dữ kiện, thông tin thực tế (Fact-based). Khi chúng ta bắt đầu giải quyết vấn đề, chúng ta nên thu thập càng nhiều dữ kiện càng tốt. Phần lớn nhân viên tư vấn là những người khái quát hóa, có kiến thức và kỹ năng rộng trong nhiều lãnh vực khác nhau, chứ không phải là một chuyên gia trong một lãnh vực nào đấy, ngay cả khi bạn là một nhân viên tư vấn dày dạn kinh nghiệm cũng vậy. Khi đấy, dữ kiện sẽ bù đắp cho các phản xạ theo bản năng. McKinsey sẽ bắt đầu từ những thông tin thực tế.

Kế đến, dữ kiện thực tế sẽ giúp bạn gia tăng uy tín của bạn, củng cố lòng tin của khách hàng. Bạn nghĩ xem cho dù bạn ra trường với các tấm bằng loại ưu, đã qua vài năm kinh nghiệm, cũng tham gia được một số dự án lớn, nhưng phải thuyết trình trước một CEO hàng đầu, trong Fortune 50, tuổi cũng hơn bạn một, hai con giáp trở lên, thì không dễ gì bạn có thể thuyết phục được ông ta tin bạn nếu bạn không có trong tay những thông tin thực tế có đủ sức nặng để ủng hộ bạn. Cũng như trong các thông cáo báo chí mà chúng tôi thường viết, nếu có đầy đủ các số liệu, nguồn trích dẫn đáng tin cậy, bao giờ cũng thuyết phục được giới truyền thông.

Trốn chạy sự thật chính là chuốc lấy thất bại, bởi vì sớm muộn gì sự thật cũng được phơi bày. Bạn không nên sợ nó, hãy săn lùng nó, sử dụng nó chứ đừng sợ nó.

Khi tập trung lại các vấn đề gây ra khó khăn cho kinh doanh, chúng ta hãy tập trung lại tất cả các yếu tố thể hiện được tất cả mọi khía cạnh nhưng tránh trùng lắp, chồng chéo lẫn nhau. Phương pháp đấy trong McKinsey gọi là MECE (“me-see”), “mutually exclusive, collectively exhaustive”. MECE giúp bạn lên cơ cấu cho một tư duy rõ ràng nhất đối với bạn (nhờ vậy, hạn chế được những điểm mơ hồ) và đạt đến độ hoàn chỉnh nhất.

Khi đã có dữ kiện và các vấn đề MECE, bạn bắt đầu tạo ra giả thiết ban đầu – “tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trước khi bạn bắt đầu”. Giả thiết ban đầu chính là bản đồ cho hành trình giải quyết vấn đề. Nhưng cũng nên nhớ rằng mỗi giả thiết ban đầu đơn thuần chỉ là lý thuyết nên có thể được chứng minh là đúng hay bị bác bỏ khi sai. Và hãy nhớ bước đầu tiên để tạo ra giả thiết như vậy chính là hãy bắt đầu từ thực tế. Và sau đó, bạn hãy tiến hành kiểm tra giả thiết. Bằng cách nào? Động não. Đó là lý do tại sao việc giải quyết vấn đề không phải là một cuộc phiêu lưu đơn lẻ. Bạn còn cần những vấn đề khác để chọn lọc ý tưởng của bạn, cho ra một giải pháp phù hợp với khách hàng.

Làm việc để giải quyết vấn đề

Theo McKinsey, mô hình giải quyết vấn đề mỗi ngày là: nghiên cứu, phỏng vấn và động não. Bạn hãy nghiên cứu thật nhiều thông tin, tìm kiếm trên báo chí, internet, hãy xem các báo cáo thường niên của khách hàng. Chúng sẽ cho bạn ý tưởng đặc thù, những cách thực hành tốt nhất, và hiểu thêm một số vấn đề hiện tại mà lãnh vực khách hàng bạn đang phải đối mặt.

Thông tin bạn tìm kiếm được sẽ là thông tin chung chung, còn những điều chi tiết của vấn đề là sẽ do những nhân viên của khách hàng bạn cung cấp. Bạn hãy phỏng vấn họ, lắng nghe, ghi chú tất cả, từ những kinh nghiệm đến những chuyện vặt của họ, tất cả sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn cần thiết vào các vấn đề. Vì vậy, bạn hãy đi đến nói chuyện với họ nhé.

Cập nhật mỗi vấn đề, tập trung kết quả của nghiên cứu và phỏng vấn, chúng sẽ tạo thành các giả thiết chính nó. Nhưng công việc thực sự của việc giải quyết vấn đề chỉ bắt đầu với động não. Động não để chọn ra giả thiết của mọi người để đi đến giải pháp. Động não là một qui trình của tư vấn chiến lược. Đó cũng chính là cái mà khách hàng thực sự muốn mua.

Bán giải pháp

Cho dù được nghiên cứu, phân tích, hay giải quyết hay đến đâu nữa, thì giải pháp tốt nhất cũng trở nên vô dụng nếu như khách hàng bạn không mua nó. Để khách hàng chịu mua nó, bạn phải biết cách bán nó. Một trong những yếu tố của việc “bán” đó là phần thuyết trình. Phương pháp của McKinsey sẽ giúp bạn xây dựng một bài thuyết trình để truyền đạt ý tưởng của bạn đến khán giả. Để bài thuyết trình của mình thành công, bạn cần dẫn dắt khán giả theo từng bước logic, rõ ràng và dễ theo dõi. Theo McKinsey, việc bán không phải đến vào lúc diễn ra bài thuyết trình, mà nó đã được thực hiện tốt trước khi mọi người tập trung vào phòng để nghe thuyết trình. Bạn hãy làm việc với những người tham gia, đưa họ đến với những khám phá của bạn trước khi tập trung họ vào phòng.

Thông tin là yếu tố sống còn trong việc điều hành nhóm. Truyền thông nội bộ hay truyền thông với đội ngũ nhân viên liên quan của khách hàng đều rất quan trọng. Nhóm nhân viên của khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ một cam kết nào, và vì vậy điều quan trọng là bạn hãy kéo được họ về phe của bạn. Trong McKinsey, thứ bậc ưu tiên là khách hàng, công ty và bạn. Và nếu không được khách hàng ủng hộ, dự án của bạn sẽ giậm chân tại chỗ. Vì vậy, hãy làm sao để khách hàng luôn đồng hành với bạn qua việc tham gia tích cực vào dự án.

Tóm lại, các vấn đề cốt lõi của cuốn sách là cách cấu trúc hóa suy nghĩ, phân tích và truyền thông của bạn cho việc giải quyết vấn đề hiệu quả.

Bạn có thể xem qua một vài slide tóm tắt các ý chính của cuốn sách.





Minh Chuyên

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Company Trip 2011 - Phnom Penh

Chuyến du lịch trong khuôn khổ hoạt động teambuilding đến đất nước Cambodia dành cho các thành viên trong công ty mình quả là một cơ hội tuyệt vời! Chỉ đơn giản là mua một vé xe buýt, và đi qua các nẻo đường từ Việt Nam qua Cambodia thông qua cửa khấu Mộc Bài là bạn đã thực hiện được chuyến du lịch ngoài nước rồi đấy! Nơi dừng chân là Phnom Penh-thủ đô của Vương quốc Cambodia- vốn là một điểm đến yên bình lắm. Trên đường đi, bạn có thể bắt gặp nhiều khung cảnh mới lạ, những người lạ và văn hóa lạ. Dừng ở bến phà đi qua con sông dẫn đến thủ đô Phnom Pênh, bạn cũng có thể kịp nhìn thấy cảnh buôn bán tấp nập mang nét rất đặc trưng của khu vực châu Á, nhưng thêm vào đó là những sản phẩm quái lạ, có người cho là ghê rợn, bởi đó là những loại thực phẩm làm từ côn trùng. Những người buôn bán xếp những con vật ấy (dế, gián, bọ cạp, nhện, thằn lằn, nhái…) –vốn đã được chế biến, thơm và bóng bẩy đẹp mắt, vun tròn trên chiếc mâm đội trên đầu. Tôi đã nghĩ đây là điều tạo nên sự khác biệt cho Cambodia.

Khi đến được Phnom Penh, thành phố khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi cho dù đây là địa điểm du lịch của một quốc gia nghèo, nhưng môi trường được giữ khá sạch sẽ với mật độ giao thông không quá gây nghẹt thở. Chúng tôi di chuyển trên những chiếc xe Tuk-Tuk rất linh hoạt, với những tài xế rất dễ mến, mà chi phí cũng không cao-chỉ với trung bình 2 USD cho bất kỳ những điểm đến trong thành phố. Nơi chúng tôi ở trọ lại là khách sạn CARA trên đường Sangkat Srass Chork , một trong những khách sạn đẹp nhất ở đây. Còn sớm để chúng tôi có thời gian được dẫn đến khu chợ trung tâm (the Central Market - Psah Thmay như cách người Kh’mer thường gọi), sau đó là cùng chia sẻ ly trà hay cà phê giải khát.

Về lại khách sạn trút sự bụi bặm của cả ngày rong ruổi, chúng tôi chuẩn bị cho một buổi ăn tối cùng nhau. Nhà hàng Romdeng mà chúng tôi đặt trước mang đến cả một phong cách ẩm thực khác. Một chút phong cách Thái với món cà ri, đặc sản kiến xào bò với các loại thảo mộc..., tráng miệng với chuối chiên nóng ăn với kem lạnh, bánh kếp cũng có kem, và cả món xôi xoài. Buổi tối hôm ấy chúng tôi đã thực sự gần nhau hơn, bởi được cùng chia sẻ niềm vui được thưởng thức ẩm thực xứ người một cách thư giãn. Sau bữa tối là một chuyến đi bách bộ cùng nhau, ghé vào một quán bar khi đã mỏi chân, chúng tôi cùng chia khoảnh khắc xem trận đấu giữa Arsenal và Liverpool hào hứng, và chúng tôi, mỗi người một B52. Thật tuyệt vời khi bạn được cùng thưởng thức thức uống ấy mà không lo ngày mai nhức đầu, không dậy nổi để đi làm J. Đến đây thì phải nên nói cảm ơn Vickie, một đồng nghiệp của tôi, vì những việc cô ấy đã làm, sắp xếp chỗ nghỉ chân, phương tiện đi lại, cũng như nơi chốn cho những buổi khám phá nghệ thuật ẩm thực ở đây.

Ngày thứ hai của chuyến du lịch bắt đầu khi mọi người gặp lại nhau tại khu vực ăn sáng kiểu buffet của khách sạn. Yên tĩnh, sạch sẽ, và phục vụ chu đáo là những điều khiến người ta yêu mến nơi đây. Sau phút điểm danh là hành trình đi tham quan nhà tù S21 (còn gọi là Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng) tại khu phố Toul Svay Prey, rồi đến Cánh đồng Chết (the Killing Field) ở ngoại ô Phnom Penh. Một cuộc tham quan khiến mỗi người trong chúng tôi đều rùng mình bởi lịch sử của nó.

Mọi người thấn mệt trong chuyến ra ngoại ô này, nên được dẫn đến nhà hàng FCC vốn rất nổi tiếng đối với du khách đến Phnom Penh. Chúng tôi đã rất thoải mái ở đây. Quãng thời gian tuyệt vời. Đợi đến 2h chiều, là giờ mở cửa Cung điện Hoàng gia (the Royal Palace). Chúng tôi còn được nhìn ngắm ngôi chùa Vàng, chùa Bạc cùng với tượng Đức Phật Ngọc Lục Bảo, cùng vô số tượng Phật có mạ vàng, đặc biệt là có cả bức tượng Phật Vàng khối nặng 90 kg nạm kim cương. Tối đến, chúng tôi được trải nghiệm không khí tại Casino NagaWorld náo nhiệt, rồi đến một quán nhỏ nằm ngay góc đường thuộc khu vực khách du lịch, tự thưởng mình với những ly Tequilla, bia và khung cảnh vui nhộn đối diện bờ sông. Buổi sáng của ngày thứ ba, mọi người lại háo hức với chuyến mua sắm đến Chợ Nga (Russia Market). Nhiều thứ để mua sắm, mà chỉ với từ 2 USD. Còn gì tuyệt hơn nhỉ?! Chỉ một buổi sáng nên mọi người tiếc ngẩn ngơ, vì 2h chiều phải lên xe về lại Sài Gòn.

Phnom Penh không giàu có, nhưng nhiều đền đài khắc sâu nền văn hóa của người dân Cambodia. Biết ơn tất cả đồng nghiệp đã chia sẻ thời gian cùng tôi khi ở Phnom Penh.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Kỷ niệm một năm làm việc tại Matterhorn

Hôm qua là đúng một năm mình làm việc tại Matterhorn , mình cũng không ngờ là nhanh đến vậy. Như thường lệ, mỗi khi nhân viên làm việc tại công ty tròn một năm , sếp lại tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để kỷ niệm . Đây là nét văn hóa công ty độc đáo của Matterhorn mà mình chưa từng thấy ở những công ty cũ trước đây. Điều đặc biệt là món quà sẽ do sếp trực tiếp chuẩn bị và mọi người hoàn toàn không biết đó là gì. Hơn thế nữa, sếp làm điều này với tâm trạng đặc biệt thích thú chứ không phải chỉ như làm một nhiệm vụ bắt buộc.

Đây là hình ảnh sếp chuẩn bị quà, và quà của sếp luôn luôn đầy bất ngờ cũng như tính chất của ngành PR.


Quà của mình là trái dưa hấu gắn đèn cầy sinh nhật ( hôm trước quà của Ngọc là hộp bún chả cũng gắn đèn cầy, hi hi). Mọi người nói rằng ruột trái dưa hấu màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, chắc là sắp tới mình sẽ gặp thật nhiều may mắn (^~^)



Đây là dịp để mọi người ôn lại những kỷ niệm trong suốt quá trình gắn bó với công ty. Chắc rằng sau này các thành viên trong công ty đều sẽ mỉm cười khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp như thế này.

Thanh Trâm.



Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

RMIT interview with Nguyen



It has been a busy week for RMIT and Matterhorn Communications!

As per our previous few posts, we have completed the program with two students - Dat and Yen - been to a luncheon for the Professional Communications Mentors, and hosted a field trip here, as written up by Ning.

In her post she mentioned that Nguyen - one of her classmates - had a lot of excellent questions, and we asked if she would like to come back in and discuss some of her questions in more depth.

We had attempted to video this session, but unfortunately my camera let us down. As such, Nguyen offered up her voice recorder, and the interview can be heard in the Youtube link above.

Thanks Nguyen - was great to meet you, and hope that the session was beneficial for you.